Mô hình 3C là thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều trong các chiến dịch marketing. Mô hình này giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường, từ đó đưa ra được chiến lược phù hợp để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Vậy mô hình 3C là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mô hình này đồng thời đưa ra những ví dụ thực tế để bạn linh hoạt áp dụng vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp mình.
Mô hình 3C là gì?
Mô hình 3C là một mô hình marketing được nghiên cứu và phát triển bởi chuyên gia Kenichi Ohmae. Mô hình này giúp các nhà kinh doanh đánh giá được mức độ thành công của thị trường dựa vào 3 yếu tố cốt lõi đó là Doanh nghiệp, Khách hàng và Đối thủ cạnh tranh.
Dựa vào mô hình 3C, doanh nghiệp có cái nhìn toàn cảnh về thị trường đồng thời tự đánh giá được thế mạnh của mình gồm các yếu tố như tài chính, nguồn lực, công nghệ, khả năng cung cấp sản phẩm,…Doanh nghiệp cũng hiểu được nhu cầu của khách hàng và đối thủ cạnh tranh để có chiến lược phát triển và mở rộng thị trường hiệu quả, bền vững.

Các yếu tố quan trọng trong mô hình 3C
Mô hình 3C bao gồm 3 yếu tố chính:
Khách hàng – Customer
Chữ C đầu tiên trong mô hình 3C chính là Customer có nghĩa là khách hàng. Trong kinh doanh, khách hàng chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp muốn thành công và phát triển bền vững thì mọi hoạt động và chính sách đều phải hướng đến lợi ích và sự hài lòng của khách hàng. Chính vì thế việc tìm hiểu và phân tích chân dung khách hàng là điều vô cùng quan trọng đối với các nhà kinh doanh. Song song với việc phân tích nhu cầu của thị trường về sản phẩm, dịch vụ, mỗi chiến dịch kinh doanh phải tìm hiểu rõ nhu cầu, thói quen, hành vi, lối sống, nghề nghiệp, mong muốn,… của khách hàng.
Kết quả nghiên cứu và phân tích insight khách hàng càng chính xác, chi tiết và cụ thể thì khả năng thành công của chiến dịch marketing càng cao.

Đối thủ cạnh tranh – Competitor
Hiện nay, bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào cũng có sự cạnh tranh khốc liệt. Bởi vậy, việc phân tích đối thủ cạnh tranh là việc không thể bỏ qua giúp doanh nghiệp có được những thông tin về đối thủ. Từ đó có chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp, nổi bật hơn so với đối thủ và giành chiến thắng trong việc thu hút khách hàng
Khi phân tích mô hình 3C, doanh nghiệp cần nghiên cứu nhóm đối thủ cạnh tranh sau:
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp: Đây là đối thủ sản xuất, kinh doanh cùng một chủng loại sản phẩm, dịch vụ và cùng hướng đến một đối tượng khách hàng mục tiêu, đồng thời có cùng phân khúc thị trường với doanh nghiệp.
Đối thủ cạnh tranh gián tiếp: Đối thủ này không kinh doanh cùng một sản phẩm, dịch vụ giống doanh nghiệp của bạn nhưng lại hướng đến cùng một đối tượng khách hàng mục tiêu. Chẳng hạn quán ăn nhanh cạnh tranh gián tiếp với các quán ăn truyền thống.
Đối thủ cạnh tranh tiềm năng: Đây là những đối thủ có thể sẽ tham gia vào thị trường trong tương lai và tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ. Doanh nghiệp cần phải theo dõi các xu hướng phát triển để có chiến lược ứng phó hiệu quả.
Doanh nghiệp – Company
Chữ C thứ hai trong mô hình 3C là Company. Theo đó, khi kinh doanh, mỗi doanh nghiệp cần tự đánh giá được các yếu tố nội lực của mình như khả năng tài chính, công nghệ, nhân lực, quy trình sản xuất,…Doanh nghiệp cần phải biết mình là ai, mình có vị thế như thế nào trên thị trường và đang có những cơ hội, thách thức nào.
Để phát triển, doanh nghiệp cần phải tập trung vào điểm mạnh của mình và mang lại giá trị, lợi ích cho người tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải tạo sự khác biệt và khả năng cạnh tranh với đối thủ để trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Và quan trọng hơn nữa, doanh nghiệp phải xây dựng được lòng tin và sự trung thành của khách hàng đối với mình.

Chẳng hạn, vào thời điểm năm 2007, Apple đã có sự phát triển đáng ngạc nhiên khi vượt qua Nokia để nhanh chóng nhận được sự yêu thích của người dùng. Mặc dù thua xa Nokia về tính năng nhưng Apple đã biết tập trung vào thế mạnh của mình là tư duy thiết kế và đặt trải nghiệm của người dùng lên hàng đầu. Chiếc điện thoại cảm ứng iPhone ra đời loại bỏ toàn bộ bàn phím vật lý đã được người dùng trên toàn thế giới yêu thích, tìm mua.
Vai trò của mô hình 3C trong kinh doanh
Trong marketing, mô hình 3C mang đến cho doanh nghiệp những thông tin quan trọng để xác định hướng đi và chiến lược phù hợp cho các chiến dịch quảng cáo. Kết quả phân tích của mô hình 3C là:
Marketing Client
3C giúp doanh nghiệp xác định được những yếu tố cần thiết để khẳng định thương hiệu trên thị trường. Nhờ việc phân tích nhu cầu, hành vi, thói quen mua sắm của khách hàng, doanh nghiệp có thể tạo ra những giá trị hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Qua việc phân tích insight khách hàng, nhà kinh doanh cũng hiểu rõ hơn về điểm mạnh, điểm yếu trong các sản phẩm và dịch vụ của mình. Từ đó có sự điều chỉnh và tối ưu hóa chiến lược marketing.
Phân tích các yếu tố của mô hình 3C cũng giúp doanh nghiệp định hình và triển khai hoạt động tiếp thị một cách chất lượng và hiệu quả. Chiến dịch marketing của doanh nghiệp sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng tốt nhất.
Agency Marketing
Mô hình 3C cũng rất quan trọng với các công ty Agency. Thông qua mô hình này, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhiệm vụ của mình trong việc giúp khách hàng giải quyết các vấn đề. Nhờ nắm được thông tin khách hàng, công ty Agency sẽ xác định được các insight để triển khai các giải pháp, thực hiện chiến lược quảng bá, tiếp thị một cách hiệu quả. Điều này đảm bảo ràng chiến lược marketing đáp ứng được mục tiêu của khách hàng.

Cách ứng dụng mô hình 3C trong marketing
Để áp dụng mô hình 3C vào chiến dịch marketing một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần thực hiện các hoạt động sau:
Phân tích, nghiên cứu khách hàng: Doanh nghiệp cần hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi cũng như quyết định mua sắm của khách hàng.
Đánh giá nội lực doanh nghiệp: Doanh nghiệp cần xác định được thế mạnh và hạn chế của mình, từ phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu.
Phân tích đối thủ cạnh tranh: Doanh nghiệp tìm hiểu về về sản phẩm dịch vụ, điểm mạnh, điểm yếu và các chiến lược marketing của đối thủ. Từ đó nhận diện cơ hội để nổi bật và thu hút khách hàng về phía mình.
Ứng dụng mô hình 3C trong trong kinh doanh của các doanh nghiệp lớn
Là công cụ cực kỳ hữu dụng, mô hình 3C được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Trong đó Vinamilk và Starbucks là những doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình này trong việc tìm hiểu về doanh nghiệp, khách hàng và đối thủ cạnh tranh để xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả.
Mô hình 3C của Vinamilk
Khách hàng (Customers): Doanh nghiệp này hướng đến đối tượng khách hàng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm sữa sạch và tự nhiên. Chính vì thế, Vinamilk tập trung cung cấp ra thị trường các sản phẩm sữa được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vinamilk đã biết tạo nên sự khác biệt để thu hút người tiêu dùng về phía mình và có sự thành công rõ rệt.
Đối thủ cạnh tranh (Competitors): Vinamilk có nhiều đối thủ cạnh tranh như Abbott, Cô Gái Hà Lan, Nutifood, TH True Milk,…Tất cả các thương hiệu đều có mục tiêu cung cấp sữa ra thị trường. Tuy nhiên, Vinamilk đã có hướng đi riêng là tập trung vào thị trường sữa hữu cơ và hướng đến khách hàng yêu thích sản phẩm sạch, tự nhiên. Chiến lược này đã giúp Vinamilk có được vị thế cạnh tranh so với các đối thủ.
Doanh nghiệp (Company): Vinamilk đã tập trung phát huy thế mạnh của mình là đầu tư cơ sở chăn nuôi và công nghệ tiên tiến. Thương hiệu luôn đặt chất lượng sản phẩm và uy tín lên hàng đầu. Điều này giúp Vinamilk xây dựng được hình ảnh đáng tin cậy trong ngành và tạo được niềm tin với khách hàng.

Có thể thấy, Vinamilk đã áp dụng rất thành công mô hình 3C vào lĩnh vực kinh doanh của mình. Thương hiệu đã tìm hiểu kỹ lưỡng về nhu cầu, sở thích, xu hướng tiêu dùng của khách hàng, đối thủ cạnh tranh về chính nội lực của doanh nghiệp mình. Chính vì thế họ đã xây dựng được chiến lược kinh doanh, tiếp thị phù hợp để tạo ra giá trị và đạt được thành công.
Mô hình 3C của Starbuck
Là thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh cà phê, Starbuck đã áp dụng hiệu quả mô hình 3C và mang lại sự thành công đáng nể.
Khách hàng (Customers): Starbucks đã thu hút khách hàng bằng cách “đánh” trúng tâm lý, nhu cầu và sở thích của họ. Thương hiệu không chỉ mang đến cho khách hàng loại cà phê có hương vị đặc biệt mà còn giúp khách hàng được trải nghiệm không gian thoải mái, tự do với thiết kế hiện đại, đẹp mắt và thân thiện. Trải nghiệm này tạo nên sự yêu mến và lòng trung thành từ khách hàng.
Đối thủ cạnh tranh (Competitors): Mặc dù giá thành sản phẩm cao nhưng Starbucks vẫn giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường nhờ tạo nên được sự khác biệt so với các đối thủ. Theo đó, thương hiệu giúp khách hàng được tận hưởng cà phê chất lượng cao cùng phong cách làm việc chuyên nghiệp và không gian quán ấn tượng chỉ có ở Starbucks.
Doanh nghiệp (Company): Starbucks đã phát huy được thế mạnh của mình là một mô hình hoạt động đa quốc gia với hệ thống cửa hàng hoạt động trên toàn thế giới. Thương hiệu cũng rất chú trọng đến việc đào tạo nhân viên chuyên nghiệp, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Như vậy Starbucks đã áp dụng được tất cả các yếu tố của mô hình 3C bao gồm khách hàng, đối thủ và doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu vững mạnh. Sự khác biệt và độc đáo đã giúp thương hiệu này khẳng định được vị thế hàng đầu trong lĩnh vực cà phê.
Lời kết
Mô hình 3C là công cụ không thể thiếu trong marketing để giúp doanh hiểu sâu sắc, toàn diện và đầy đủ hơn về khách hàng, về đối thủ và về chính mình. Khi đã hiểu tường tận, minh bạch cả 3 yếu tố này, doanh nghiệp có thể đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp để vượt qua đối thủ cạnh tranh, thu hút khách hàng và phát triển bền vững. Hy vọng những thông tin chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn biết cách vận dụng linh hoạt để đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất.
Tin nổi bật
Mô hình 3C là gì? Vai trò của mô hình 3C trong chiến dịch Marketing
Mô hình 3C là thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều trong các chiến dịch...
Cách download video từ trang web không hỗ trợ tải – Hướng dẫn chi tiết dễ làm
Trong thời đại ngày nay, mọi thứ đều có thể tìm thấy trên internet, đặc...
App Mobile là gì? Chìa khóa để đuổi kịp thời đại số hóa của các doanh nghiệp
Khi công nghệ đang ngày càng bùng nổ và xu hướng số hóa đang dẫn...
Bio link là gì? Cách tạo Bio link đơn giản, ấn tượng cho người mới bắt đầu
Những năm gần đây, Bio link nổi lên là một khái niệm rất hot, được...